Lưới Khống Chế Độ Cao Hạng I Nhà Nước
Trong trắc địa để tránh tích luỹ sai số, thường xuyên áp dụng nguyên tắc từ tổng quát đến chi tiết, từ độ chính xác cao đến độ chính xác thấp. Nghĩa là dùng máy và phương pháp đo có độ chính xác tương đối cao để xác định toạ độ và độ cao của một số điểm. Các điểm đó gọi là điểm khống chế và liên kết các điểm đó gọi là lưới khống chế.
Có 2 loại lưới khống chế trắc địa:
- Lưới khống chế mặt bằng nếu chỉ biết (X,Y), dùng làm cơ sở để xác định vị trí mặt bằng của các điểm
- Lưới khống chế độ cao nếu chỉ biết (H), dùng làm cơ sở xác định độ cao của các điểm trên mặt đất
Vậy lưới khống chế độ cao là gì, lưới khống chế độ cao được chi thành mấy cấp hạng, độ chính xác ra sao, trong bài viết này chúng ta sẽ đi làm rõ về các nội dung trên.
I. Khái niệm và phân loại lưới khống chế độ cao nhà nước.
1. Khái niệm.
- Lưới độ cao quốc gia là lưới khống chế về độ cao thống nhất trong toàn quốc, được đo theo phương pháp đo cao hình học, là cơ sở để xác định độ cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. (Trích dẫn theo QĐ112008QD- BTNMT)
- Cơ sở của lưới khống chế độ cao là mặt thủy chuẩn gốc. Mặt thủy chuẩn gốc là mặt nước biển ở trạng thái trung bình, yên tĩnh kéo dài xuyên qua lục địa. Mặt thủy chuẩn này có tên riêng là mặt Geoid
- Lưới độ cao quốc gia lấy mực nước biển trung bình quan trắc nhiều năm tại trạm nghiệm triều Hòn Dấu (Đồ Sơn, Hải Phòng) làm mực chuẩn “0” về độ cao. Độ cao trong lưới độ cao quốc gia được tính theo hệ thống độ cao chuẩn.
2. Phân loại.
Lưới khống chế độ cao nhà nước được phân loại theo 2 phương pháp.
2.1 Theo phương pháp đo: được chia làm 2 phương pháp.
+Đo cao hình học: là phương pháp đo chênh cao giữa 2 điểm bằng một tia ngắm nằm ngang của máy thuỷ chuẩn.
+ Đo cao lượng giác: là phương pháp dựa vào mối tương quan hàm lượng giác trong tam giác tạo bởi tia ngắm nghiêng, khoảng cách giữa hai điểm cần xác định chênh cao. Thuỷ chuẩn lượng giác có độ chính xác tương đương thuỷ chuẩn hạng IV
2.2 Theo độ chính xác: lưới độ cao nhà nước được chia làm 4 cấp hạng.
1. Lưới độ cao hạng I:
a. Khái niệm.
b. Yêu cầu kỹ thuật và độ chính xác.
+ Yêu cầu kỹ thuật:
- Lưới độ cao hạng I gồm những đường hạng I nối với nhau.
- Đường có chiều dài từ 500km – 1000km.
- Các đường độ cao hạng I được bố trí dọc theo đường giao thông chính, ở những vùng đi lại khó khăn thì bố trí dọc theo đường đất ổn định hoặc dọc theo bờ sông lớn.
- Chu kỳ đo lặp lại tất cả các đường độ cao hạng I từ 20 đến 25 năm; trong trường hợp do hoạt động kiến tạo địa chất ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới độ cao Quốc gia thì có thể rút ngắn thời gian của chu kỳ đo lặp.
- Trên đường độ cao các hạng phải chôn mốc hoặc gắn dấu mốc lâu dài để lưu giữ lại độ cao. Phân biệt hai loại mốc độ cao: mốc cơ bản (mốc gắn 2 dấu mốc) và mốc thường (mốc gắn 1 dấu mốc). Khoảng cách giữa hai mốc gọi là đoạn, một số đoạn tạo thành chặng.
- Đối với lưới độ cao hạng I , loại mốc được sử dụng là mốc cơ bản được chôn cách nhau khoảng 50 - 60 km trên đường hạng I và tại các điểm nút, gần các trạm nghiệm triều, các trạm thủy văn của sông và hồ lớn, các công trình xây dựng lớn. Loại “mốc cơ bản” có loại chôn chìm và loại gắn vào vỉa đá ngầm. Cách mốc cơ bản khoảng 50 - 150 m phải chôn một mốc thường
- Lưới độ cao hạng I được thiết kế tổng thể trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500.000 hoặc 1/200.000, thiết kế kỹ thuật trên bản đồ 1/100.000 hoặc 1/50.000
+ Yêu cầu độ chính xác:
- Đường độ cao hạng I được xây dựng với độ chính xác cao nhất bằng thiết bị và công nghệ tốt nhất tại thời điểm đó. Đường độ cao hạng I được đo đi, đo về bằng hai hàng mia (đối với máy thủy chuẩn điện tử đo 1 hàng mia) và đảm bảo sai số trung phương ngẫu nhiên của chênh cao trung bình đo đi đo về trên 1 km không được vượt quá 0,50mm (đối với máy thủy chuẩn điện tử là 0,40 mm), sai số trung phương hệ thống không được vượt quá 0,05mm.
- Khi tính chênh cao đo được giữa các mốc độ cao hạng I ở vùng núi, vùng mỏ phải đưa các số hiệu chỉnh chiều dài mia, hiệu chỉnh nhiệt vào kết quả đo và tính chuyển về hệ độ cao chuẩn. Khi tính chuyển về hệ độ cao chuẩn thì số cải chính δch phải cộng vào chênh cao đo được trước khi tính sai số khép. Trường hợp chưa đủ số liệu trọng lực để tính chuyển về hệ độ cao chuẩn thì chênh cao đo được phải hiệu chỉnh về hệ độ cao gần đúng (δch)gđ.
- Quy định giới hạn sai số khép đường, khép vòng độ cao đối với lưới hạng I:
c. Yêu cầu thiết bị và phương pháp đo lưới độ cao hạng I.
Yêu cầu đối với máy và mia.
- Để đo chênh cao hạng I dùng máy thủy chuẩn quang cơ với mia inva, máy thủy chuẩn điện tử có bộ mia mã vạch và phải thỏa mãn điều kiện sai số trung phương ngẫu nhiên của chênh cao trung bình đo đi đo về trên 1 km không được vượt quá 0,50 mm; khi dùng các loại máy thủy chuẩn quang cơ (có ống bọt nước dài) và những máy có độ chính xác tương đương thì đặc tính kỹ thuật của máy phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Hệ số phóng đại của ống ngắm từ 40 lần trở lên (thủy chuẩn điện tử từ 30 lần trở lên).
- Giá trị khoảng chia trên mặt ống bọt nước dài không vượt quá 12”/2 mm, hình ảnh khi bọt nước nằm ngang phải nhìn thấy được trong ống kính.
- Giá trị vạch khắc vành đọc số của bộ đo cực nhỏ 0,05 mm và 0,10 mm.
- Đo chênh cao hạng I bằng máy quang cơ dùng mia inva dài 3 m có khắc vạch thành thang chính và thang phụ đồng bộ với máy đo. Sai số khoảng chia 1 m của các thang số không được vượt quá 0,10 mm, đối với mia dùng để đo ở miền núi sai số này không được vượt quá 0,05 mm. Đối với máy thủy chuẩn điện tử dùng bộ mia mã vạch đã được kiểm tra khoảng cách từng dm, từ dm thứ 5 đến dm thứ 25 trên bãi kiểm tra chuẩn. Trên mia gắn ống nước tròn có giá trị khoảng chia từ 10” - 12”/2 mm. Dựng mia trên các cọc sắt đã đóng xuống đất ở độ sâu thích hợp. Cấu tạo và chất lượng cọc sắt phải đảm bảo ổn định về độ cao trong quá trình đo chênh cao.
- Trước và sau đợt sản xuất phải kiểm nghiệm mia, xác định phương trình thước Giơ-ne-vơ trên máy MK1. Phương trình này phải bảo đảm xác định chiều dài của thước với sai số nhỏ hơn 0,01 mm. Ở nhiệt độ 20°C, chiều dài thước Giơ-ne-vơ không vượt quá giới hạn (1000 ± 0,05) mm.
- Khi đo chênh cao hạng I phải đo nhiệt độ không khí với nhiệt kế có giá trị khoảng chia không lớn hơn 0,2°C. Ở mỗi trạm máy phải đọc nhiệt độ không khí ngang tầm máy một lần.
Các loại máy có thể đảm bảo độ chính xác đo lưới độ cao hạng I như:
Kiểm tra và kiểm nghiệm máy thuỷ chuẩn.
+ Trước khi đo thủy chuẩn hạng I, phải kiểm nghiệm máy theo các nội dung sau:
- Xem xét máy;
- Kiểm tra và hiệu chỉnh các ốc cân máy;
- Kiểm tra máy quay quanh trục đứng có nhẹ nhàng không;
- Kiểm tra và hiệu chỉnh ống bọt nước tròn;
- Kiểm tra và hiệu chỉnh vị trí đặt lưới chỉ. Các mục từ 1- 5 (theo quy định tai phụ lục 8).
- Kiểm tra và hiệu chỉnh vị trí tương hỗ giữa trục ngắm và trục ống bọt nước dài. (theo quy định tai phụ lục 9).
- Kiểm tra tính năng quang học của ống ngắm. (theo quy định phụ lục 10).
- Kiểm nghiệm giá trị khoảng chia ống bọt nước dài, xác định sai số trung phương trùng hợp hình ảnh hai đầu bọt nước. (theo quy định phụ lục 11)
- Kiểm nghiệm sự hoạt động cơ học của bộ đo cực nhỏ và xác định giá trị khoảng chia của nó. (theo quy định phụ lục 12)
- Kiểm tra độ chính xác trục ngắm khi điều chỉnh tiêu cự. (theo quy định phụ lục 13)
- Xác định hệ số đo khoảng cách và sự không đối xứng của lưới chỉ. (theo quy định phụ lục 14)
- Xác định hệ số phóng đại của ống ngắm. (theo quy định phụ lục 15)
- Kiểm nghiệm sự hoạt động của vít nghiêng và xác định giá trị khoảng chia của nó. (theo quy định phụ lục 16)
- Đối với máy thủy chuẩn sử dụng công nghệ mới, ngoài những yêu cầu trên cần tuân thủ quy trình kiểm tra, kiểm nghiệm thiết bị theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Đo đường độ cao để kiểm tra máy.(theo quy định phụ lục 17)
Trước và trong đợt sản xuất, người đo ngắm phải kiểm tra các mục sau:(xem các phụ lục 8, 9, 11, 12, 13, 16)
+ Trước đợt sản xuất phải kiểm tra và kiểm nghiệm:
- Xem xét máy;
- Kiểm tra và hiệu chính ống bọt nước tròn;
- Kiểm tra và hiệu chỉnh các vị trí đặt ống bọt nước dài;
- Xác định giá trị khoảng chia trên mặt ống bọt nước dài và sai số trung phương trùng hợp hình ảnh hai đầu bọt nước bằng mia;
- Xác định giá trị khoảng chia và vành đọc số của bộ đo cực nhỏ bằng mia trên những khoảng cách khác nhau;
- Kiểm tra độ chính xác trục ngắm khi điều chỉnh tiêu cự;
- Kiểm tra sự hoạt động của vít nghiêng bằng mia, nếu người đo ngắm trực tiếp kiểm tra toàn diện máy thì không cần kiểm tra mục này.
+ Trong thời gian sản xuất phải kiểm tra và kiểm nghiệm:
- Kiểm tra và hiệu chỉnh ống bọt nước tròn (hàng ngày trước khi đo ngắm);
- Kiểm tra và hiệu chỉnh vị trí đặt ống bọt nước dài (kiểm tra góc i) mỗi ngày một lần vào những buổi khác nhau, nếu qua một tuần đầu thấy ổn định thì cứ 10 – 15 ngày kiểm tra một lần. Nếu sau khi kiểm tra thấy góc i giao động quá 12” thì hiệu chỉnh để tiếp tục đo và phải ghi chú vào “điều quan trọng” để sau này xử lý. Trước và sau khi kết thúc một đường, sau mỗi lần hiệu chỉnh góc i, bộ phận lưới chỉ, sau mỗi đợt vận chuyển dài hoặc khi nhiệt độ thay đổi đột ngột thì phải kiểm tra lại mục này;
- Xác định giá trị khoảng chia vạch đọc số của bộ đo cực nhỏ bằng mia trên những khoảng cách khác nhau; trước và sau đợt sản xuất và cứ hai tháng một lần;
- Kiểm tra sự hoạt động của vít nghiêng (bằng mia) mỗi tháng một lần.
- Kiểm tra và kiểm nghiệm mia thuỷ chuẩn.
Kiểm tra và kiểm nghiệm toàn diện mia dùng để đo chênh cao hạng I gồm các mục sau:
- Kiểm tra toàn bộ bên ngoài và dải inva
- Kiểm tra sức căng của dải inva (dùng lực kế có độ chính xác cao kiểm tra trước lúc đưa mia vào kiểm nghiệm). Lực căng của dải inva so với sức căng tiêu chuẩn phải nhỏ hơn 1/20 nếu vượt quá thì điều chỉnh lại bằng ốc điều chỉnh hoặc thay lò xo;
- Để có số liệu tính hiệu chỉnh mia thì trước và sau đợt sản xuất phải xác định chiều dài thực của các khoảng chia cách nhau một mét trên thang chính và thang phụ mia inva bằng máy MK1. Chênh lệch giữa chiều dài kiểm nghiệm và chiều dài lý thuyết không được vượt quá 0,10 mm. Trong đợt sản xuất và cứ cách 2 tháng một lần kiểm nghiệm mia bằng thước Giơ-ne-vơ, nhưng nếu nhiệt độ thay đổi đột ngột hoặc có sự nghi ngờ chiều dài mia thay đổi thì phải kiểm tra lại mục này. Nếu sai lệch giữa hai kết quả kiểm nghiệm bằng thước Giơ-ne-vơ và bằng máy MK1 vượt quá 0,1 mm thì phải kiểm tra lại hai lần nữa, nếu vẫn vượt thì đem mia kiểm nghiệm lại trên máy MK1(theo quy định phụ lục 18).
- Xác định sai số các khoảng chia dm trên thang chính và thang phụ, sai số này không được vượt quá 0,15 mm. (theo quy định phụ lục 19)
- Kiểm nghiệm mặt đáy mia (theo quy định tai phụ lục 20) có trùng với vạch “0” của thang chính không; có vuông góc với trục đứng của mia không (kiểm nghiệm một lần trước đợt sản xuất).
- Xác định sự chênh lệch vạch “0” của cặp mia, sự chênh lệch giữa thang chính và thang phụ của từng mia. (theo quy định phụ lục 21)
- Kiểm nghiệm ống nước tròn trên mia (kiểm nghiệm hàng ngày trước khi đo, theo quy định tai phụ lục 22).
- Xác định độ võng của dải inva, nếu độ võng f lớn hơn 4 mm thì phải đổi mia khác hoặc phải cải chính chiều dài mia. Trước, sau khi đo và cứ cách hai tháng trong đợt sản xuất kiểm tra một lần, nếu nghi ngờ dải inva võng thì phải kiểm tra lại (theo quy định phụ lục 23) .
- Đối với bộ mia mã vạch (fiber glass) mia phải được kiểm tra khoảng cách từng dm, từ dm thứ 5 đến dm thứ 25 trên bãi kiểm tra chuẩn sau mỗi đợt sản xuất, Chênh cao từng dm đo được so với chênh cao chuẩn không lớn hơn ± 0.3mm.
- Tài liệu kiểm nghiệm máy, mia phải đóng thành quyển (máy riêng, mỗi cặp mia một quyển) nộp vào thành quả đo.
Phương pháp đo lưới độ cao hạng I.
-. Đo chênh cao hạng I phải đo đi và đo về theo hai hàng cọc dựng mia
(Đối với máy thủy chuẩn điện tử đo theo 1 hàng mia). Hàng bên phải tạo thành đường bên phải, hàng bên trái tạo thành đường bên trái theo hướng đo. Đọc số trên máy theo phương pháp chập đọc.
-. Thứ tự thao tác trên trạm máy đo đi như sau:
+ Đối với trạm lẻ:
Đường bên phải | Đường bên trái |
1. Đọc số trên thang chính mia sau | Các bước 5, 6, 7, 8 thao tác như ở các bước 1, 2, 3, 4 của đường bên phải |
2. Đọc số trên thang chính mia trước | |
3. Đọc số trên thang phụ mia trước | |
4. Đọc số trên thang phụ mia sau | |
Đối với máy thủy chuẩn điện tử | |
1. Đọc số lần1 trên mia mã vạch mia sau | |
2. Đọc số lần 1 trên mia mã vạch mia trước. | |
3. Đọc số lần 2 trên mia mã vạch mia trước. | |
4. Đọc số lần 2 trên mia mã vạch mia sau |
+ Đối với trạm chẵn:
Đường bên phải | Đường bên trái |
1. Đọc số trên thang chính mia trước | Các bước 5, 6, 7, 8 thao tác như ở các bước 1, 2, 3, 4 của đường bên phải. |
2. Đọc số trên thang chính mia sau | |
3. Đọc số trên thang phụ mia sau | |
4. Đọc số trên thang phụ mia trước | |
Đối với máy thủy chuẩn điện tử | |
1. Đọc số lần 1 trên mia mã vạch mia sau |
|
2. Đọc số lần 1 trên mia mã vạch mia trước. | |
3. Đọc số lần 2 trên mia mã vạch mia trước. | |
4. Đọc số lần 2 trên mia mã vạch mia sau |
Khi đo về thứ tự đọc số tại trạm lẻ giống trạm chẵn của đo đi và trạm chẵn giống trạm lẻ của đo đi.
Thứ tự thao tác ở mỗi trạm máy như sau:
- Đặt máy, cẩn thận đưa bọt nước cân máy vào giữa;
- Hướng ống ngắm tới thang chính của mia cần ngắm:
Đặt số đọc ở bộ đo cực nhỏ bằng 50, vặn vít nghiêng cho hình ảnh hai đầu bọt nước trùng hợp, đọc số đo khoảng cách theo chỉ trên và dưới (khi sử dụng máy WILD N3 cần cải chính hằng số khoảng cách theo bảng hiệu chỉnh của máy);
- Vặn vít nghiêng cho hình ảnh hai đầu bọt nước thật sự trùng hợp, vặn vành đo cực nhỏ để bộ chỉ hình nêm kẹp thật chính xác vạch chia gần nhất của thang chính, đọc số đọc trên mia và trên bộ đo cực nhỏ;
- Hướng ống ngắm tới thang chính của mia khác cùng hàng lặp lại các động tác như mục b và c;
- Dùng ốc vi chỉnh ngang đưa ống ngắm về thang phụ của mia ở mục d, vặn vít nghiêng đi ¼ vòng rồi vặn lại cho hình ảnh hai đầu bọt nước trùng hợp nhau, tiến hành kẹp vạch đọc số trên thang phụ và bộ đo cực nhỏ;
- Hướng ống ngắm về thang phụ của mia ngắm đầu tiên và làm theo thao tác như mục c;
- Chuyển mia sang hai cọc sắt hàng bên trái và thao tác lần lượt từ mục b đến mục g;
Phải đợi cho hình ảnh hai đầu bọt nước thật sự trùng hợp và hoàn toàn ổn định mới được kẹp vạch và đọc số. Để tránh sai số hệ thống không được đọc số trên mia sớm hơn nửa phút sau khi dựng mia thẳng đứng;
Trong thời gian chuyển trạm máy, mia sau khi chuyển lên làm mia trước của trạm sau, mia trước không chuyển nhưng phải nhấc ra khỏi cọc (đế) mia.
Các kết quả đọc được phải ghi ngay vào sổ theo quy định tại phụ lục 24.
+ Đường đo độ cao hạng I được chia thành nhiều chặng, mỗi chặng dài từ 20 - 30 km bao gồm nhiều đoạn. Trường hợp đặc biệt chiều dài chặng có thể tăng lên, nhưng khi thấy sai số giữa đo đi và đo về của các đoạn cùng một loại dấu (âm hoặc dương) thì có thể giảm chiều dài chặng cho thích hợp.
+ Đo đi và đo về trong từng chặng phải được tiến hành đo theo khóa số 8, tức là nửa đầu của chặng đo theo hướng đo đi còn nửa thứ hai của chặng đo theo hướng đo về, sau đó thì tiến hành ngược lại.
+ Việc đo đi đo về trong cùng một chặng phải do cùng một người đo, cùng máy, cùng mia, cùng một loại cọc (hoặc đinh) và phải đo theo cùng một đường.
+ Số trạm máy trong một đoạn phải là số chẵn, số trạm đo đi và về phải bằng nhau. Khi qua đèo, đường sỏi đá, đo đi và về được chênh nhau từ hai đến bốn trạm. Số trạm phải ghi theo thứ tự từ 1 đến hết cho từng chiều đo trong mỗi đoạn.
+ Khi chuyển từ đo đi sang đo về phải theo đúng các quy định sau:
- Đặt và cân lại máy;
- Mia A và mia B đổi chỗ cho nhau.
+ Việc đo đi và đo về trong từng đoạn phải được tiến hành vào hai buổi khác nhau của mỗi ngày. Yêu cầu này không bắt buộc khi đo ngắm vào ngày trời râm mát liên tục hoặc nhiệt độ ngoài trời ít thay đổi.
+ Chiều dài tiêu chuẩn các tia ngắm là 50 m. Trong những trường hợp đặc biệt như đường có độ dốc lớn, đo vào mốc, khi sai số hệ thống rõ rệt thì chiều dài tia ngắm có thể rút ngắn đến 5 m.
+ Chiều cao tia ngắm so với mặt đất (vật chướng ngại) không được nhỏ hơn 0,8 m. Trường hợp đặc biệt khi chiều dài tia ngắm dưới 25 m thì chiều cao tia ngắm không được nhỏ hơn 0,5 m. Tuyệt đối không được đóng cọc, dựng mia trong hố hoặc dưới mương để tăng thêm chiều cao tia ngắm. Chiều cao tia ngắm không quy định khi mia đặt trên dấu mốc.
+ Chỉ được đo ngắm khi tầm nhìn hoàn toàn thông suốt, hình ảnh vạch chia trên mia ổn định và rõ nét. Thời gian bắt đầu đo quy định là sau khi mặt trời mọc một giờ và trước khi mặt trời lặn 30 phút. Không được đo ngắm trong các trường hợp sau:
- Trong khoảng một giờ 30 phút trước và sau giữa trưa (12 giờ), thời gian nghỉ trưa có thể ngắn hơn hoặc kéo dài tùy theo tình hình thời tiết, khí hậu từng vùng, từng mùa;
- Khi hình ảnh rung động khó kẹp chính xác hệ chỉ hình nêm ( v ) vào vạch chia trên mia;
- Khi nhiệt độ thay đổi nhanh và đột ngột;
- Khi sức gió từ cấp 4 trở lên
+. Để tránh sự tăng giảm đột ngột của nhiệt độ bên ngoài làm ảnh hưởng đến chất lượng đo ngắm cần phải thực hiện các biện pháp sau đây:
- Máy phải đưa ra khỏi hòm để ở nơi râm mát trước khi đo 30 phút;
- Máy phải được che ô trong khi đo ngắm;
- Khi chuyển trạm máy phải được che bằng túi vải trắng dày, rộng và máy phải được giữ thắng đứng.
+ Dùng thước dây để đo khoảng cách từ máy tới mia, sau đó xác định lại khoảng cách bằng máy đang đo. Số chênh khoảng cách từ máy tới hai mia trong từng trạm không được vượt quá 0,5 m. Tổng số chênh khoảng cách một đoạn không quá 1 m.
+ Giá máy đặt trên các trạm đo không được cọ xát với các vật xung quanh. Cấm ấn quá mạnh các chân máy xuống đất, hai chân song song với hướng đo, còn chân kia lần lượt đặt sang bên phải và bên trái hướng đo; ba chân máy đặt choãi nghiêng như nhau, mũi chân cắm xuống chỗ chất đất giống nhau.
Trình tự đặt chân máy khi đo như sau:
+ Cọc mia của đường bên phải và đường bên trái đóng vào chỗ đất chắc cách nhau hơn nửa mét, đồng thời đóng trên chỗ cao thấp khác nhau, trước khi đóng cọc phải dẫy hết cỏ và lớp đất xốp ở đó.
Trên đoạn đường đá cứng dùng cọc sắt dài từ 10-20 cm đường kính từ 2-3 cm trên chóp cọc có đinh mũ tròn. Khi đo ở đường đất mềm thì dùng cọc gỗ 10x10x40 cm đóng đinh mũ ở giữa. Lúc đo về cố gắng đóng thêm các cọc sâu xuống để chênh cao cùng một trạm máy đo đi khác với đo về.
Khi đo theo đường nhựa thì dùng loại đinh dài từ 3-8 cm đường kính từ 0,5-0,7 cm, có chóp nửa hình cầu đường kính 1 cm. Đinh đóng xuống đường sao cho mặt dưới hình chóp cầu vừa tiếp xúc với mặt đường nhựa. Những nơi đường quá cứng thì dùng đế mia nặng 6 kg.
+ Để đo cao hạng I dùng 4 - 5 cặp cọc, đóng trước 1 - 2 cặp và phải giữ lại 1 cặp cọc đã đóng ở trạm đo trước.
+ Khi nghỉ cần kết thúc đo ngắm trên mốc độ cao cố định, nếu không được thì trước khi nghỉ phải chôn sâu cọc gỗ trên có đinh mũ tròn hoặc sáu cọc sắt của trạm đo sau cùng (trước giữa và sau) vào giữa các lòng hố sâu khoảng 0,3 m và đo trên sáu cọc đó (hai trạm máy) thực hiện như cách đo các trạm đo khác. Đo xong đậy cỏ lên cọc và lấp đất lại cho an toàn. Khi tiếp tục đo phải đo lại bốn cọc mia ở trạm cuối cùng, nếu kết quả đo được so với kết quả cũ không sai lệch quá 0,7 mm thì tiếp tục đo từ trạm đó. Trường hợp quá 0,7 mm thì phải đo kiểm tra trạm trước và cũng so sánh với sai số trên nếu đạt thì đo từ hai cọc giữa đi, nhưng nếu vẫn vượt thì so sánh tổng chênh cao của hai trạm đo trước với hai trạm đo sau khi nghỉ, nếu không vượt quá 0,7 mm thì tiếp tục đo từ hai cọc trước (hoặc hai cọc sau) nhưng nếu vượt thì phải đo lại từ trạm đo của lần nghỉ trước hoặc từ mốc đầu của đoạn này. Các cọc nghỉ này chỉ có giá trị trong 15 ngày. Trong sổ đo phải vẽ sơ đồ vị trí cọc mia, ghi số hiệu mia đặt trên các cọc đó (trước, sau khi nghỉ) và ghi các điều kiện đo ngắm.
+ Trên mỗi trạm đo phải tính toán và kiểm tra các mục sau:
- Hiệu số của số đọc chỉ giữa thang chính với số đọc trung bình của chỉ trên và chỉ dưới cùng mia phải nhỏ hơn 5 mm;
- Chênh lệch giữa số đọc thang chính đã cộng hằng số K với số đọc thang phụ không được vượt quá 0,5 mm;
- Hiệu các chênh cao tính được theo thang chính và thang phụ của từng đường không được vượt quá 0,5 mm;
- Hiệu các chênh cao tính được theo thang chính và thang phụ giữa hai cọc mia của trạm đo trước và trạm đo sau không được vượt quá 0,7 mm; nếu vượt quá giới hạn trên thì phải thay đổi chiều cao máy đo lại trạm đo đó; nhưng nếu vẫn vượt giới hạn này thì phải đo lại trạm trước.
+ Hiệu chênh cao của đường bên phải và bên trái của cùng một chiều mỗi đoạn không được vượt quá ±2√L mm trong trường hợp số trạm máy trung bình trên 1 km không lớn hơn 15 (trường hợp 1) và ±3√L mm trong trường hợp số trạm máy trung bình trên 1 km lớn hơn 15 đối với khu vực địa hình khó khăn, có độ dốc lớn (trường hợp 2). Trường hợp vượt giới hạn sai số này thì phải đo lại chiều nghi ngờ đã đo không chính xác.
Đưa vào tính toán tất cả các giá trị chênh cao nếu các giá trị trước khi đo lại không lệch nhau quá ±4√L mm đối với trường hợp 1 hoặc ±5√L mm đối với trường hợp 2. Các kết quả đo chỉ được đưa vào tính toán khi đạt giới hạn sai số cho phép.
+ Giá trị chênh cao trung bình đường bên phải và đường bên trái của chiều đo đi so với chiều đo về trong từng đoạn không được vượt quá ±2√L mm (trường hợp 1) hoặc ±3√L mm (trường hợp 2).
Khi vượt quá giới hạn trên thì phải đo lại chiều nào có kết quả không phù hợp lớn giữa đường trái và đường phải. Chênh cao nào không phù hợp thì bỏ đi. Hai giá trị chênh cao còn lại được đưa vào tính toán nếu chúng nằm trong giới hạn sai số cho phép và chúng phải là chênh cao của hai chiều đo đi và đo về. Đưa cả ba giá trị vào tính toán, nếu hai giá trị chênh cao trước khi đo lại không chênh lệch nhau quá ±4√L mm (trường hợp 1) hoặc ±5√L mm (trường hợp 2) và giá trị chênh cao sau khi đo lại không lệch so với từng giá trị trước khi đo lại quá ±4√L mm. Nếu kết quả đo lúc đầu và đo lại không thỏa mãn yêu cầu trên thì đo lại chiều kia nữa. Sau đó xét kết quả đưa vào tính toán theo giới hạn sai số đã nêu ở trên.
+ Nếu hiệu các chênh cao đo đi và đo về của các đoạn đo liên tiếp đều quá ±0,3√L mm (trường hợp 1) hoặc ±0,4√L mm (trường hợp 2) và cùng dấu thì các đoạn đo sau nên rút ngắn chiều dài tia ngắm cho thích hợp và phải tuyệt đối tuân theo các quy định để tránh sai số hệ thống. Nếu nghi ngờ về máy thì phải kiểm tra và hiệu chỉnh máy.
+ Phải đưa vào giá trị chênh cao từng đoạn các số cải chính.
+ Khi kết thúc đo giữa các đường, giữa các mốc cơ bản hoặc toàn tuyến phải lập bảng tính chênh cao khái lược và đánh giá chất lượng đo bằng sai số trung phương ngẫu nhiên và hệ thống theo quy định tại phụ lục 2.
Tin nổi bật
-
Tư vấn hướng nghiệp: Ngành kỹ sư trắc địa - Cơ hội việc làm, mức lương
-
Việt Thanh Group – đi đầu ứng dụng công nghệ RTK GNSS trong khảo sát địa hình tại Thanh Hóa
-
Máy toàn đạc tự động là gì? Một số tính năng phổ biến
-
Gốc tọa độ là gì và ứng dụng trong hệ tọa độ địa lý
-
Lidar là gì? Ứng dụng và xu hướng của Lidar trong ngành trắc địa
Tin tức liên quan
-
Tư vấn hướng nghiệp: Ngành kỹ sư trắc địa - Cơ hội việc làm, mức lương
-
Việt Thanh Group – đi đầu ứng dụng công nghệ RTK GNSS trong khảo sát địa hình tại Thanh Hóa
-
Máy toàn đạc tự động là gì? Một số tính năng phổ biến
-
Gốc tọa độ là gì và ứng dụng trong hệ tọa độ địa lý
-
Lidar là gì? Ứng dụng và xu hướng của Lidar trong ngành trắc địa